Nick Vujicic

(nhân đọc một bài viết rất hay về sự kiện Nick Vujicic)

Tôi hay tự hỏi là điều gì làm nên thành công của những công ty như Google. Một trong những lý do mà tôi quan sát được là Google rất chú trọng đến sự hiệu quả của mỗi nhân viên. Google thuê người tốt nhất có thể cho mỗi vị trí và tạo điều kiện tối đa để mỗi nhân viên làm tốt nhất công việc của họ. Vai trò của người quản lý là đáp ứng nhu cầu của nhân viên, ghi nhận thành tích, trao thưởng xứng đáng và công bằng. Lời hứa của Google cũng như lời hứa của nước Mỹ: làm việc chăm chỉ, hiệu quả thì sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Nghe thì có vẻ rất đơn giản nhưng không có công ty Việt Nam nào mà tôi từng làm thực hiện được như vầy. Một ví dụ đơn giản về sự thiếu hiệu quả của các công ty Việt Nam là tình trạng tuyển nhân viên chất lượng kém, chỉ vì họ có quen biết với ai đó. Một khi có sự xuất hiện của những người như vậy, tính công bằng trong hệ thống lương thưởng đã bị phá vỡ và những nhân viên tốt nhất sẽ ra đi.

Mở rộng ra, một đất nước muốn phát triển thì mỗi người dân phải được tạo điều kiện tốt nhất để  phát triển hết năng lực, làm việc đúng khả năng và được ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng với những đóng góp của họ cho xã hội.

Điều này khiến tôi nghĩ Nick Vujicic là một lý giải tại sao phương Tây, tại sao Mỹ và Úc, lại giàu mạnh hơn Việt Nam nhiều lần. Một người không tay không chân như Nick vẫn được xã hội đầu tư, chăm sóc, tạo điều kiện để anh ấy phát huy tối đa khả năng, đóng góp lại cho xã hội và giúp đỡ nhiều người khác. Sự đầu tư của phương Tây vào Nick Vujicic đã đem lại lợi ích to lớn cho Nick, cho gia đình anh ấy, cho phương Tây và cho cả thế giới.

Nếu Nick sinh ra ở Việt Nam thì anh ấy sẽ được xã hội đầu tư như thế nào? Tôi nghĩ là rất khiêm tốn. Mặc dù luật người khuyết tật ở Việt Nam nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật, nhưng thực tế là cả xã hội đang phân biệt đối xử với họ.

Trong bao nhiêu năm đi học ở Việt Nam, tôi chưa từng có một người bạn nào là người khuyết tật. Không phải vì ở Việt Nam không có người khuyết tật mà là vì họ không thể đi học ở trường dành cho người bình thường. Đường xá, phương tiện giao thông, các công trình kiến trúc công cộng, v.v. của chúng ta không hề được thiết kế cho người khuyết tật. Trường học cũng không có thầy cô có chuyên môn về giáo dục cho người khuyết tật.

Trong gần tám năm đi làm ở Việt Nam, tôi cũng không hề có bất kỳ đồng nghiệp nào là người khuyết tật. Ở Google mặc dù tôi không có đồng nghiệp trực tiếp là người khuyết tật, nhưng tôi biết có nhiều người khuyết tật làm việc cho hãng phần mềm này. Mỗi buổi họp toàn công ty, Google đều có người thông dịch qua tín hiệu câm cho những nhân viên bị khuyết tật thính giác.

Tôi không có con số thống kê cụ thể, nhưng với số lượng vụ tai nạn giao thông lên đến năm con số mỗi năm, người khuyết tật chắc chắn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong dân số Việt Nam. Đây là một thực tế mà những người lãnh đạo, những nhà quản lý đất nước phải nghĩ đến khi hoạch định chính sách, khi đưa ra các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Nếu không chăm sóc, đầu tư cho người khuyết tật phát triển hết năng lực tự thân thì đó là một sự lãng phí khổng lồ, mà cứ nhìn vào Nick thì chúng ta sẽ hiểu.

Comments

Lãng Khách said…
ve may bay gia re Bạn rất có tâm với đất nước nhưng muốn vn bằng được các nước văn minh thì hơi khó
Vo Dung said…
mời đặt liên kết hiện nay mình cần đặt liên kết để cùng phát triển web. Nếu bạn đồng ý pm lại mình trên trang mình. Để đặt liên kết cho nhau cùng phát triển